Tổng thống Donald Trump đang bước vào một tuần quan trọng. Mỹ cần hoàn tất các thỏa thuận thương mại trước khi hàng loạt mức thuế mới sẽ có hiệu lực trở lại từ thứ Tư, ngày 9/7.
Tuy nhiên, vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết mức thuế đối ứng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 đối với các quốc gia chưa đạt thoả thuận với chính quyền ông Trump. Ông cũng bác bỏ thông tin rằng ngày 1/8 là thời hạn áp mức thuế quan mới.
Trong hai tuần qua, ông Trump đã thực hiện một số sự kiện đáng chú ý, bao gồm việc ký thông qua dự luật về thuế và chi tiêu, cũng như góp phần làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Israel và Iran. Báo cáo việc làm tháng 6 cũng cho thấy thị trường lao động Mỹ tăng trưởng ổn định hơn dự kiến, phản ánh sức mạnh của nền kinh tế.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson ký dự luật thuế và chi tiêu tuần trước. Ảnh: EPA
Tổng thống Trump được cho là sẽ tận dụng đà thuận lợi này để thúc đẩy hàng loạt thỏa thuận thương mại bị trì trệ thời gian qua. Tuy nhiên, một trong những điểm gây bế tắc là ông Trump vẫn không nhượng bộ về các mức thuế áp theo ngành, đặc biệt với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài.
Thứ Năm tuần trước, ông Trump cho biết sẽ bắt đầu gửi thư thông báo mức thuế quan tới các đối tác của Mỹ. Ông nói: “Làm vậy sẽ đơn giản hơn nhiều. Chúng ta có hơn 170 quốc gia, đâu thể thoả thuận được với từng nước?”. Theo ông, mức thuế mới có thể dao động từ 10% đến 70%. Thư sẽ được gửi đến hơn chục quốc gia vào đầu tuần này.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent phát biểu trên chương trình “State of the Union” của CNN rằng nội dung thư có thể không phải là tuyên bố áp thuế ngay lập tức. Thay vào đó, các bức thư sẽ đặt ra thêm một thời hạn để các đối tác thương mại đạt được thỏa thuận với Mỹ, nhằm tránh bị áp lại mức thuế đối ứng đã công bố hồi tháng 4.
Người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai khẳng định mọi quyết định về thương mại sẽ do Tổng thống trực tiếp đưa ra.
Vào tháng 4, ông Trump đã tuyên bố tạm hoãn 90 ngày với kế hoạch áp thuế đối ứng. Thời hạn tạm hoãn này sẽ kết thúc vào ngày 9/7. Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett cho biết rằng chính quyền đang nỗ lực hoàn tất một loạt thỏa thuận thương mại trước thời điểm trên.
Việc ông Trump và các cố vấn quyết định gửi thư thay vì đạt thỏa thuận trước hạn chót cho thấy sự thay đổi trong chiến lược. Trước đó, cố vấn thương mại Peter Navarro từng dự đoán Mỹ sẽ ký được 90 thỏa thuận trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 3 thỏa thuận được ký, trong đó một số vẫn thiếu các điều khoản quan trọng.
Tình hình với Trung Quốc cũng chưa rõ ràng. Tháng 6, phía Mỹ nói đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc nhằm nới lỏng kiểm soát xuất khẩu một số mặt hàng chủ chốt như đất hiếm. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đến nay vẫn giữ kín chi tiết thỏa thuận và cho biết đây là nội dung riêng tư, bảo mật.
“Khi nói đến nam châm, chúng tôi thấy có tiến triển. Nhưng chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tăng tốc mở cửa thị trường đúng như cam kết trong đàm phán”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Michael Faulkender phát biểu trên CNBC.
Ông Faulkender cho biết thêm thỏa thuận với Trung Quốc vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện để cụ thể hóa các khuôn khổ đã đề ra sau các cuộc gặp tại London và Geneva.
Ấn Độ có thể là quốc gia tiếp theo trong kế hoạch đàm phán thương mại của ông Trump. Trong vài tuần gần đây, ông bày tỏ sự tin tưởng rằng một thỏa thuận với quốc gia đông dân nhất thế giới sắp được hoàn tất. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cũng vừa có chuyến thăm Washington vào tuần trước.
Tuy nhiên, nếu đàm phán không đạt kết quả, Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn các biện pháp đáp trả thuế quan từ Mỹ. Tuần trước, Chính phủ Ấn Độ đã thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng họ sẽ áp thuế trả đũa với hàng hóa Mỹ, nhằm đáp lại các mức thuế của Washington đối với xe ô tô.
Theo WSJ
Anh Dũng
Nhịp Sống Thị Trường