vi-VN  English (United States)   日本語 (日本)

Nghị định 128/2021/NĐ-CP (08/03/2022)

Giới thiệu về Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực CK&TTCK

Ngày 30/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Nghị định được xây dựng và ban hành nhằm đảm bảo triển khai thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC được ban hành theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ; khắc phục các vướng mắc trong quá trình thi hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán (CK và TTCK), đảm bảo tính thực thi, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về CK và TTCK.

Nghị định bao gồm 03 Điều trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, Điều 2 bãi bỏ một số quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, Điều 3 quy định hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp, trách nhiệm tổ chức thực hiện. Một số nội dung chủ yếu của Nghị định bao gồm:

- Quy định rõ hành vi che dấu thông tin về quyền sở hữu thực sự theo hướng ngắn gọn, đồng thời bổ sung phần giải thích từ ngữ chi tiết đối với hành vi này nhằm tạo thuận lợi cho việc phát hiện, xử lý vi phạm.

- Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xử phạt theo đó tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi VPHC, VPHC nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân VPHC nhiều lần và các vi phạm này được phát hiện ở cùng một thời điểm nhưng chưa bị xử phạt và chưa hết thời hiệu xử phạt thì XPVPHC một lần về hành vi vi phạm, đồng thời áp dụng tình tiết tăng nặng VPHC nhiều lần. Quy định một số trường hợp VPHC nhiều lần thì xử phạt về một hành vi có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện và áp dụng tình tiết tăng nặng VPHC nhiều lần như: hành vi báo cáo không đúng thời hạn hoặc không báo cáo khi có sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu qua các ngưỡng 1% hoặc khi trở thành/không còn là cổ đông lớn; hành vi báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch hoặc không báo cáo về kết quả thực hiện giao dịch; hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn hoặc không công bố đối với thông tin phải công bố quy định…

- Quy định về thời điểm tính thời hiệu VPHC trong lĩnh vực chứng khoán, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với một số hành vi như: hành vi vi phạm quy định về thực hiện chào bán, phát hành chứng khoán; hành vi vi phạm chậm hồ sơ đăng ký công ty đại chúng; với hành vi đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn quy định…

- Sửa đổi, bổ sung hành vi trong hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ để mô tả phù hợp hơn với quy định về hoạt động chào bán, phát hành riêng lẻ tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như: hành vi công bố báo cáo sử dụng vốn, sử dụng tài khoản phong tỏa, thay đổi mục đích/phương án sử dụng vốn, thay đổi điều khoản trái phiếu....


- Bổ sung hành vi không báo cáo về thay đổi phương án sử dụng vốn tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất trong chào bán ra công chúng; sửa đổi hành vi; bổ sung hành vi về tài khoản phong tỏa trong phát hành thêm chứng khoán.

- Bổ sung hành vi về thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng; sửa đổi, bổ sung một số hành vi trong quản trị công ty đại chúng về họp và bỏ phiếu trực tuyến, về đảm bảo cơ cấu và hoạt động của Ủy ban kiểm toán, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát...

- Bổ sung hành vi vi phạm về cổ phiếu quỹ theo khoản 4 Điều 310 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP; sửa đổi một số hành vi về chào mua công khai, bổ sung dẫn chiếu cụ thể đến Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.

- Sửa đổi hành vi, từ ngữ tại phần xử lý vi phạm của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để đảm bảo thống nhất với các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019; bổ sung hành vi công ty quản lý quỹ không tuân thủ hợp đồng ký với ngân hàng giám sát theo Luật Chứng khoán 2019, bổ sung trường hợp ngoại trừ theo quy định pháp luật đối với hành vi sử dụng tài sản ủy thác để cho vay…

- Sửa đổi Điều 33 về vi phạm quy định về giao dịch của cổ đông lớn, người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ theo hướng: sửa đổi một số hành vi từ vi phạm về công bố thông tin sang vi phạm về báo cáo; quy định rõ các khung phạt tiền đối với hành vi không báo cáo trước khi giao dịch, hành vi không báo cáo về kết quả giao dịch của người nội bộ và người có liên qua; quy định lại các khung phạt tiền theo hướng bổ sung thêm khung phạt cảnh cáo vi phạm có giá trị giao dịch nhỏ; sửa mức phạt đối với hành vi chậm báo cáo về kết quả giao dịch, giao dịch ngoài khoảng thời gian đăng ký hoặc ngoài khoảng thời gian SGDCK công bố thông tin …

- Sửa đổi hành vi che giấu thông tin nhằm trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin, nghĩa vụ chào mua công khai hoặc quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài để phù hợp hơn với mô tả hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán 2019; nâng khung phạt tiền đối với hành vi tạo dựng thông tin, che dấu thông tin trong hoạt động chứng khoán từ 100-200 triệu đồng lên 200-300 triệu đồng; tách hành vi báo cáo có nội dung sai lệch hoặc sai sự thật thành khoản riêng với mức phạt tiền cao hơn, tương ứng với mức phạt của hành vi công bố thông tin sai lệch.

- Bổ sung quy định về trường hợp áp dụng thủ tục xử phạt không lập biên bản đối với một số hành vi có mức phạt cảnh cáo.

- Bổ sung hướng dẫn cụ thể về gửi quyết định xử phạt, báo cáo kết quả thực hiện, đôn đốc việc thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp áp dụng hình thức đình chỉ hoạt động kinh doanh và dịch vụ, tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán; bổ sung quy định hướng dẫn về hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán, hình thức đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán; hướng dẫn thi hành các hình thức XPVPHC và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực CK và TTCK.

- Bổ sung 01 Điều về việc công khai việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, theo đó sẽ công khai việc xử phạt đối với tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 70.000.000 đồng trở lên hoặc bị áp dụng hình thức xử phạt chính là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả.

- Bãi bỏ 02 hành vi do tại Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã không còn quy định nghĩa vụ pháp lý của tổ chức, cá nhân liên quan (cụ thể bỏ điểm a khoản 1 Điều 8 do tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP không còn quy định về nghĩa vụ liên quan đến thông báo phát hành chứng khoán của tổ chức phát hành chứng khoán riêng lẻ; bỏ điểm a khoản 1 Điều 29 do theo quy định tại Điều 221 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, trường hợp vi phạm này sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ).

UBCKNN
VTS dẫn tin